Tội nhận hối lộ
Hỏi: Đề nghị cho biết khi nào người lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ bị xử lý hình sự ? Trách nhiệm hình sự cụ thể như thế nào?
Trả lời :
Điều 279 Bộ luật Hình sự quy định về tội nhận hối lộ như sau:
“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
c) Đã bị kết án về một trong các tội phạm về tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
đ) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:
a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn có thể nhận hối lộ để làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của mình vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Ví dụ nhận tiền hoặc quà biếu để tuyển dụng một người vào làm việc tại cơ quan, để xét tăng lương trước thời hạn cho người lao động; không lập biên bản để xử lý xây dựng nhà trái phép, không kiểm tra hàng hóa của đối tượng nghi là buôn lậu...
Thủ đoạn và hình thức nhận hối lộ, tài sản dùng để hối lộ rất đa dạng, phong phú. Tài sản dùng để hối lộ có thể là tiền, tài sản hoặc các lợi ích vật chất khác như giấy chuyển nhượng nhà, quyền sử dụng đất, vé đi du lịch, hoặc kể cả quà tặng cho người thân của người có chức vụ, quyền hạn... Tài sản hối lộ có thể được đưa trực tiếp cho người nhận nhưng cũng có thể chuyển gián tiếp qua bưu điện hoặc thông qua người thứ ba hoặc núp dưới các hình thức như cho vay, trả nợ, trả tiền thù lao...
Để kết luận một người phạm tội nhận hối lộ phải có các dấu hiệu sau đây: Thứ nhất, người nhận hối lộ phải có chức vụ, quyền hạn và đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận hối lộ. Thứ hai, có sự thỏa thuận trước về việc nhận và đưa hối lộ giữa người có chức vụ, quyền hạn và người đưa hối lộ nhằm nhận được một lợi ích nào đó và người có chức vụ, quyền hạn đã đồng ý nhận tiền, tài sản mà không phụ thuộc vào việc trên thực tế đã có việc giao và nhận hay chưa. Trong trường hợp người có chức vụ, quyền hạn chủ động đòi hối lộ thì tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội tỏ rõ thái độ của mình và người đưa hối lộ chấp nhận sự đòi hỏi đó. Thứ ba, tài sản dùng để hối lộ phải có giá trị từ 500 nghìn đồng trở lên. Nếu tài sản hối lộ có giá trị dưới 500 nghìn đồng thì người nhận hối lộ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm về tham nhũng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
(Theo luatviet)